Đã xác định được nguyên nhân gây bệnh tôm chết sớm (07/05/2013)
Sau nhiều tháng nghiên cứu, đến nay, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Donald Lightner thuộc Đại học Arizona (Mỹ) đứng đầu, đã xác định nguyên nhân gây hội chứng chết sớm ở tôm (EMS) hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS).
Các nhà nghiên cứu phát hiện tác nhân gây hội chứng tôm chết sớm là do vi khuẩn phát triển trong đường tiêu hóa của tôm, tạo ra độc tố làm mất chức năng và phá hủy mô của các cơ quan tiêu hóa của tôm như gan tụy, bệnh lây truyền qua đường miệng nhưng không ảnh hưởng đến con người.
Tác nhân gây EMS/AHPNS đã được nhóm nghiên cứu của Donald Lightner xác định là một dòng vi khuẩn
Vibrio parahaemolyticus, khi bịnhiễm virus được gọi là thực khuẩn thể sẽ tạo ra độc tố cực mạnh,tương tự hiện tượng bệnh dịch tả ở người, nơi một thực khuẩn thể làm cho các vi khuẩn
Vibrio cholerae có khả năng tạo ra độc tố gây ra bệnh tiêu chảy có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Nghiên cứu tiếp tục phát triển các test chẩn đoán để phát hiện nhanh tác nhân gây bệnh EMS/AHPNS phục vụ nâng cao công tác quản lý các trại giống và ao nuôi tôm thương phẩm, tìm các giải pháp lâu dài cho phòng trị bệnh này. Điều này cũng sẽ giúp việc đánh giá rủi ro liên quan đến nhập khẩu tôm đông lạnh hoặc các sản phẩm khác từ những nước bị ảnh hưởng bởi hội chứng EMS.
Một số quốc gia đã thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu tôm đông lạnh hoặc các sản phẩm khác từ các nước bị ảnh hưởng bởi EMS. Donald Lightner cho biết, tôm đông lạnh có thể gây rủi ro rất thấp cho ô nhiễm tôm thiên nhiên và môi trường, vì tôm bị nhiễm EMS thường rất nhỏ (chết rất sớm) nên không thể đạt kích cỡ để xuất khẩu. Ông cũng đã thử cảm nhiễm bệnh - dùng mô đông lạnh làm nguồn gây nhiễm - nhưng đều không xảy ra.
Hội chứng EMS/ AHPNS đã lan rộng đến Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Đến nay, đã gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Dịch EMS thường xảy ra trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi thả tôm cho dù ao nuôi vừa mới được cải tạo, tỷ lệ tử vong có thể vượt quá 70%.
Trong những nỗ lực rút kinh nghiệm từ thực tiễn dịch bệnh với mục tiêu cải thiện chính sách trong tương lai, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Nghiên cứu thủy sản (Responsible Aquaculture Alliance) đã bắt đầu tổ chức nghiên cứu hội chứng EMS tại Việt Nam vào tháng 7/2012. Mục đích của việc nghiên cứu là tìm ra nguồn gốc, sự lây nhiễm và ảnh hưởng của EMS, từ đó đề ra biện pháp quản lý cho cộng đồng và doanh nghiệp. Hội chứng tôm chết sớm (EMS) là một trong những chủ đề sẽ được thảo luận tại hội nghị “Mục tiêu của GAA* năm 2013” tổ chức ngày 7 - 10/10/2013 tại Paris, Pháp.
Thu Hiền - FICen *Ghi chú: GAA - Global Aquaculture Alliance